Thứ ba, ngày 10 tháng 09 năm 2024
Cập nhật lúc: 21/08/2024

Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu năm 2024

   Tết Trung thu năm 2024 đang tới gần, vì vậy nhu cầu của người tiêu dùng với các sản phẩm bánh kẹo, nước giải khát, đặc biệt là bánh Trung thu là rất cao. Tuy nhiên từ các sản phẩm này cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm là rất lớn.
   Vào dịp Tết Trung thu năm nào cũng xuất hiện hàng loạt các cơ sở chế biến, sản xuất loại bánh nướng, bánh dẻo. Phần lớn các cơ sở có tên tuổi đều đảm bảo được quy định sản xuất an toàn cho các loại bánh. Tuy nhiên một số cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất thủ công còn sử dụng các loại phẩm màu, chất bảo quản, nguyên liệu không đảm bảo.

   Nhằm vào thị hiếu của trẻ em, nhiều cơ sở sản xuất các loại bánh hình các con vật nhiều màu sắc từ các loại phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, gây độc hại cho người ăn. Nguyên liệu làm nhân bánh thường có trứng, thịt, hoa quả, xúc xích, lạp xưởng... là những thứ dễ bị ô nhiễm và cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi phát triển. Bảo quản trong điều kiện môi trường, khí hậu nóng, nhiều khói bụi, giấy bao gói chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh, lưu thông phân phối đi nhiều vùng xa xôi.....nên bánh Trung thu dễ bị biến tính, dễ hư hỏng ở bên trong mà chưa thể hiện ra ngoài vỏ bánh.

ATTP TT 4

   Sau đây là một số kiến thức để người tiêu dùng tham khảo khi lựa chọn: 

   - Bánh Trung thu:

+ Bánh Trung thu ngon, còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thường có mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không rớt.

+ Nên mua bánh Trung thu ở các cơ sở có thương hiệu đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan Y tế và phải xem xét kỹ nhãn mác của bánh phải ghi đầy đủ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng.

+ Bánh Trung thu để lâu hoặc ở môi trường nóng, ẩm rất dễ bị mốc, hư hỏng nên cũng phải kiểm tra trước khi mua dù thời hạn sử dụng vẫn còn.

+ Không mua, không sử dụng bánh Trung thu không nhãn mác.

   - Thực phẩm bao gói sẵn:

+ Chỉ mua khi có nhãn mác với nội dung: Tên hàng hóa, tên và địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, định lượng hàng, thành phần cấu tạo, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, ngày sản xuất, thời giạn sử dụng và bảo quản, xuất xứ của thực phẩm. 

+ Không mua các loại thực phẩm gói sẵn mà bao bì biến dạng. 

+ Cần mua ở các cửa hàng có tín nhiệm: quen thuộc, siêu thị… những nơi chấp hành đẩy đủ các điều kiện kinh doanh thực phẩm an toàn.

+ Không nên mua: Ở những cửa hàng, quán hàng, bụi, bẩn, ẩm ướt, nóng, nắng; Ở những nơi bày bán lẫn lộn hoá chất, sản phẩm có mùi như xà phòng, bột giặt, mỹ phẩm… Với nước giải khát, hoa quả, trái cây, sữa… không mua ở những nơi không có phương tiện bảo quản lạnh, những nơi bày bán dưới nắng, nóng, ẩm ướt, bụi bẩn, khói, gần xăng, dầu, sơn, hoá chất trừ sâu…

ATTP TT 1

   Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm mọi người cần phải dừng ngay việc sử dụng và niêm giữ toàn bộ thức ǎn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh. Đưa người bị ngộ độc đến cơ sở Y tế gần nhất để xử trí kịp thời và báo ngay cho cơ quan y tế địa phương.

Ban biên tập

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang