Chiều ngày 26/8/2021, UBND huyện Krông Pắc tổ chức Hội nghị gặp mặt và tháo gỡ khó khăn cho các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh, mua, bán nông sản Sầu Riêng năm 2021. Tham dự hội nghị có ông Trần Quốc Vĩnh - Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ,
Chiều ngày 26/8/2021, UBND huyện Krông Pắc tổ chức Hội nghị gặp mặt và tháo gỡ khó khăn cho các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh, mua, bán nông sản Sầu Riêng năm 2021. Tham dự hội nghị có ông Trần Quốc Vĩnh - Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ, ông Đinh Xuân Diệu - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện.
Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện, phát biểu khai mạc hội nghị
Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân huyện tại hội nghị, toàn huyện hiện có khoảng 3.300 ha Sầu Riêng, trong đó khoảng 2.500 ha Sầu Riêng kinh doanh, dự kiến sản lượng năm 2021 khoảng 45.000 tấn. Người trồng Sầu Riêng trên địa bàn huyện đã từng bước áp dụng các quy trình an toàn thực phẩm trong sản xuất và đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP. Toàn huyện đã có 581 ha của 497 hộ dân được kiểm tra đánh giá và cấp giấy chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt. Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp 36 mã vùng trồng cho 730 ha Sầu Riêng; 07 mã đóng gói cho các Doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sầu riêng trên địa bàn.
Hiện tại có 47 cơ sở đang thu mua, chế biến, đóng gói Sầu Riêng; đã thu hoạch, tiêu thụ được khoảng 30% sản lượng Sầu Riêng toàn huyện. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nên việc xuất khẩu mặt hàng Sầu Riêng gặp khó khăn, chuỗi tiêu thụ bị gián đoạn đã và đang ảnh hưởng lớn đến giá cả, sức tiêu thụ của thị trường.
Tại hội nghị, đại diện các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh, những Nông dân trồng Sầu Riêng đã tập trung thảo luận, trao đổi những khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh. Người trồng sầu riêng đang gặp khó khăn khi giá nông sản thấp và có thể tiếp tục hạ, tiêu thụ đình trệ. Các doanh nghiệp gặp khó khăn lớn nhất là đầu ra sản phẩm, việc vận chuyển tiêu thụ hàng hoá bị đứt đoạn, ảnh hưởng lớn đến nguồn tài chính của doanh nghiệp. Mặt khác, do thiếu nhân công có kỹ thuật và công nhân thu hoạch, việc sơ chế chậm, kết nối kho trữ đông khó khăn, nên các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh giảm khả năng mua hàng so với các năm trước. Các doanh nghiệp đã nêu một số kiến nghị cần có sự quan tâm tháo gỡ của huyện như: sớm tạo điều kiện cho lực lượng nhân công của doanh nghiệp tiêm vắc-xin phòng COVID-19; các ngành chức năng triển khai các chính sách hỗ trợ về vốn, trong đó có việc cho doanh nghiệp thế chấp vay vốn bằng hàng tồn kho; …
Đại diện các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, tham gia thảo luận tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, các lãnh đạo huyện đã chia sẻ những khó khăn với người dân và doanh nghiệp trong mùa vụ Sầu Riêng 2021; cam kết sẽ hỗ trợ tối đa công tác phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân, thương nhân, doanh nghiệp hoạt động thu mua, chế biến sầu riêng an toàn; huyện cũng sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu Sầu Riêng để mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu chính ngạch ở các thị trường khác; xây dựng chuỗi sản phẩm, chú trọng chất lượng để tạo đầu ra đa dạng cho sản phẩm Sầu Riêng.
Ông Đinh Xuân Diệu - Chủ tịch UBND huyện, phát biểu tại hội nghị
Tin và ảnh: Quốc Huy - Trung tâm TTVHTT Krông Pắc